Chuyên gia GEEK Up chia sẻ tại UXVN Festival 2022
Nằm trong chuỗi sự kiện UXVN Festival 2022, ngày hội “The Festival” đem đến nhiều không gian tương tác, gắn kết cộng đồng đam mê xây dựng sản phẩm số với những nội dung hữu ích và truyền cảm hứng sáng tạo, được kể bởi các lãnh đạo và quản lý cấp cao trong lĩnh vực Product Design, UX Research, UX Writing, và UX Career. Mr Hoàng Nguyễn - Head of Product Design đã đại diện GEEK Up tham gia chia sẻ tại sự kiện này.
Là một người làm thiết kế sản phẩm, hẳn là bạn hiểu tầm quan trọng của “sự đồng cảm” để tạo ra “sản phẩm tốt nhất” dành cho người dùng. Nhưng bạn có biết như vậy vẫn là chưa đủ?
Không thể phủ định rằng kim chỉ nam dành cho Product Designer chính là thiết kế hướng tới người dùng - User Centric. Nghĩa là lấy người dùng làm trung tâm để sáng tạo nên các sản phẩm và dịch vụ nhằm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời dành cho họ.
Để đặt đối tượng nào đó làm trung tâm, ta cần xây dựng sự đồng cảm lên đối tượng đó. Có tất cả 4 cấp độ của sự đồng cảm này:
- Cấp độ 1 - Pity: Thương xót → Cảm thấy thương xót cho nỗi đau của người dùng
- Cấp độ 2 - Sympathy: Thương cảm → Thừa nhận nỗi đau của người dùng
- Cấp độ 3 - Empathy: Đồng cảm → Hiểu một cách đầy đủ nỗi đau của người dùng
- Cấp độ 4 - Compassion: Trắc ẩn → Sẵn sàng cùng với người đó làm giảm nỗi đau của họ
Càng đầu tư nhiều thời gian và công sức, bạn càng nâng cao mức độ đồng cảm. Khả năng thấu hiểu sâu sắc giúp các tương tác chất lượng hơn sâu sắc. Đối với công việc thiết kế sản phẩm, do hạn chế về thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu tệp người dùng thường đa dạng và rộng lớn, nên các Designer khó có thể liên tục tiếp xúc và thấu hiểu hơn về người dùng. Điều này có thể cản trở họ đạt đến các tầng thấu cảm cao hơn và thường dừng lại ở cấp độ 2 hay 3.
Để có thể xây dựng được 1 sản phẩm tốt, không chỉ dừng lại ở “đồng cảm” với người dùng, Product Designers còn phải “trắc ẩn” với toàn bộ những người đang góp phần làm cho sản phẩm tốt hơn trong tay người dùng. Bởi vì một sản phẩm công nghệ có thể tạo ra những giá trị tích cực cho doanh nghiệp vừa mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng là sự kết hợp cân bằng giữa 3 yếu tố:
- Business Goal: mục tiêu kinh doanh
- User Experience: tạo ra giá trị và trải nghiệm tích cực cho người dùng
- Optimal Technology: sự khả thi về mặt công nghệ
Chính vì thế, Product Designer không chỉ tập trung phát triển chuyên môn để làm tốt khía cạnh User, mà còn phải là cầu nối giữa doanh nghiệp và công nghệ, thông qua các giải pháp thiết kế phù hợp. Với mục tiêu làm ra các sản phẩm có giá trị, người thiết kế sẽ cần thêm lòng trắc ẩn cho cả đội ngũ của mình. Tại GEEK Up, chúng tôi đã đem khái niệm này vào trong triết lý làm sản phẩm “Impactful Product” của mình.
Đôi khi chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn và tư duy, để hiểu rằng các vị trí chuyên môn khác nhau, sẽ có ngôn ngữ và cách nhìn một vấn đề từ những khía cạnh khác nhau. Chúng ta sẽ không cần phải lúc nào cũng chăm chăm bảo vệ người dùng mà quên đi thách thức của doanh nghiệp. Vì vậy, User Centric là cách bắt đầu, và Product Centric sẽ là nơi kết thúc.
Và sợi chỉ đỏ liên kết từ User Centric tới Product Centric đã được Mr Hoàng Nguyễn - Head of Product Design của GEEK Up chia sẻ tại sự kiện UXVN 2022 vừa diễn ra.
Nhận thông tin mới nhất từ GEEK Up