insight-background

STRATEGY

5 phút

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022: 7 xu hướng người làm sản phẩm số không thể bỏ qua

Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trở thành một hướng đi tất yếu, đòi hỏi các ngân hàng phải đẩy mạnh số hoá nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022: 7 xu hướng người làm sản phẩm số không thể bỏ qua

Allison Beer, Giám đốc phụ trách công nghệ tại JPMorgan Chase - một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, chia sẻ: “Đại dịch đã chứng minh ngân hàng số là điều cần thiết để khách hàng ở mọi lứa tuổi tự tin quản lý tài chính cá nhân”. Cuộc khảo sát 1.500 khách hàng của JPMorgan Chase vào cuối năm 2020 cũng hé lộ một con số đáng chú ý: 54% người được phỏng vấn cho hay họ đã sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật số hơn trong quá trình giao dịch ngân hàng kể từ khi bùng nổ đại dịch. Ngân hàng số chính là chìa khóa cho sự phát triển đối với các ngân hàng trong tương lai.

Để không bỏ lỡ "chuyến tàu" chuyển đổi số trong thời đại 4.0, các ngân hàng phải không ngừng cập nhật những xu hướng mới nhất để áp dụng vào quá trình số hoá, gia tăng năng lực cạnh tranh. Vậy những xu hướng chuyển đổi số nổi bật trong ngành Ngân hàng là gì? Hãy cùng GEEK Up tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Ngân hàng mở

Ngân hàng mở (Open Banking) cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba - tiêu biểu như các startup công nghệ với hệ sinh thái dịch vụ tài chính đột phá - truy cập một cách an toàn vào dữ liệu tài chính của người dùng, từ đó tối ưu hóa dịch vụ và thông điệp truyền thông phù hợp với từng khách hàng. Ngân hàng mở cũng là cơ hội để người dùng tăng cường quyền kiểm soát và tính bảo mật đối với dữ liệu tài chính của mình, cũng như nâng cao các trải nghiệm qua sản phẩm hoặc dịch vụ được tùy biến, cá nhân hóa dựa trên dữ liệu tài chính.

2. Ngân hàng chỉ hiện diện số

Không sở hữu bất kỳ chi nhánh vật lý, hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số và cung cấp dịch vụ qua ứng dụng điện thoại với mức lãi suất, phí dịch vụ ưu đãi hơn so với ngân hàng truyền thống, mô hình ngân hàng chỉ hiện diện số (Digital-only bank) đang phục vụ một phân khúc riêng biệt - những khách hàng muốn sử dụng dịch vụ với chi phí thấp nhất và phần lớn nhu cầu có thể đáp ứng qua internet hoặc điện thoại thông minh.

Thách thức này đặt ra bài toán đòi hỏi các ngân hàng truyền thống cần có động thái chuyển đổi số nhanh chóng vì theo khảo sát "Thực trạng ngân hàng tiêu dùng năm 2021" của Galileo Financial Technologies, phần lớn người tiêu dùng (62%) "phần nào" hoặc "có khả năng cao" chuyển sang ngân hàng chỉ hiện diện số, trong đó thế hệ Gen Y chiếm tỷ lệ 77%, Gen Z là 72% và Gen X là 55%.

Xu huong chuyen doi so nganh ngan hang 2022
Sự dịch chuyển hạ tầng điện toán lên "đám mây" internet mang đến nhiều lợi ích cho các ngân hàng

3. Điện toán đám mây

Sự dịch chuyển hạ tầng điện toán như dữ liệu, phần mềm lên "đám mây" internet mang đến nhiều lợi ích cho các ngân hàng như tiết kiệm chi phí vận hành, mở rộng ra quy mô toàn cầu, gia tăng hiệu suất và tốc độ, độ bảo mật, tính tin cậy và sự tiện dụng. Điều này cũng giúp các ngân hàng hạn chế khả năng mất mát dữ liệu do thảm hoạ tự nhiên hay sự kiện bất khả kháng, giải quyết vấn đề tổ chức hệ thống server vật lý cồng kềnh, tập trung dữ liệu tại các "Data silo" chỉ cho phép một bộ phận nhân sự truy cập và tách biệt khỏi các phòng ban còn lại trong tổ chức.

4. Tự động hoá

Các hệ thống tự động hoá giúp ngân hàng gia tăng hiệu suất trong quá trình xử lý dữ liệu nội bộ, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Ngày càng có nhiều ngân hàng truyền thống ứng dụng các hệ thống tự động hoá cho các tác vụ hàng ngày (day-to-day) như hoạt động hành chính văn phòng (back-office) hay hỗ trợ khách hàng: giảm lượng công việc nhập liệu bằng cách sử dụng hệ thống Nhận dạng ký tự quang học - Optical Character Recognition (OCR) hay các tác vụ có thể ứng dụng Tự động hóa quy trình bằng robot - Robotic Process Automation (RPA).

5. Sự trỗi dậy của Tài chính "nhúng" và BaaS

Theo khảo sát về dịch vụ tài chính năm 2021 thực hiện bởi Finastra - công ty fintech có trụ sở tại London, cả BaaS (Banking-as-a-service) và dịch vụ tài chính nhúng (Embedded finance) đều có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, với 85% nhân sự cấp cao tại các tổ chức tài chính toàn cầu nhận định xu hướng này sẽ có những tác động đáng kể đến ngành. Vô số công ty, bao gồm các hãng bán lẻ và công ty công nghệ, đang trở thành các tổ chức Fintech bằng cách "nhúng" hàng loạt dịch vụ tài chính ngân hàng vào các sản phẩm của mình. Đáng chú ý, người tiêu dùng ngày nay cũng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ do các công ty phi ngân hàng cung cấp.

6. Siêu cá nhân hoá

Có đến 83% người dùng cho biết sẵn sàng chia sẻ dữ liệu của mình để tận hưởng các trải nghiệm được cá nhân hoá, theo báo cáo Pulse Check (2018) của Accenture. Với sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Máy học (Machine Learning), ngân hàng ngày càng có khả năng mang đến những trải nghiệm được thiết kế riêng cho mỗi người dùng. Không chỉ dừng lại ở cấp độ đơn giản như gửi thông điệp kèm tên riêng của khách hàng, cá nhân hoá ngày nay phát triển đến mức hiểu rõ những điều khách hàng yêu thích và phát triển những gói sản phẩm/ dịch vụ ngân hàng cũng như hoạt động marketing cho từng khách hàng riêng biệt dựa trên nhu cầu của họ.

Xu huong chuyen doi so nganh ngan hang 2022
Giao diện đồ hoạ trực quan và thân thiện với người dùng đang trở thành yêu cầu tiên quyết khi xây dựng các sản phẩm số

7. Trải nghiệm UX/UI

“Trong thế giới hậu đại dịch, trải nghiệm số sẽ là yếu tố chính tạo ra sự khác biệt cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính, vì vậy các ngân hàng sẽ không chỉ cung cấp ứng dụng kỹ thuật số 'thuần giao dịch' mà còn cần có cả trải nghiệm số hóa kết nối với người tiêu dùng dựa trên mức độ cảm xúc", nhóm chuyên gia từ Temenos AG, Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp phần mềm ngành ngân hàng, chia sẻ.

Thế hệ người dùng hiện tại (Gen Z, Gen Y) ngày càng đề cao trải nghiệm thị giác trong cuộc sống hàng ngày. Một giao diện đồ hoạ trực quan và thân thiện với người dùng đang trở thành yêu cầu tiên quyết khi xây dựng các sản phẩm số. Khách hàng muốn theo dõi chỉ số tài chính ngân hàng qua các biểu đồ, infographics và các mô-đun tương tác thay vì bảng Excel. Thậm chí có chuyên gia nhận định rằng các ngân hàng ngày nay dành nhiều nguồn lực tối ưu các website và ứng dụng hơn cả thiết kế nội thất cho chi nhánh vật lý của mình. Trải nghiệm người dùng ngày càng đóng vai trò như là "vũ khí" quan trọng mang lại lợi thế cạnh tranh và Ngân hàng số cần tạo ra các nền tảng hợp thời và hấp dẫn thị giác để giữ chân người dùng, bên cạnh các tính năng hữu ích.

Một trong số Ngân hàng số tiêu biểu tại Việt Nam - TPBank, với mục tiêu "Làm thế nào để dịch vụ tài chính cá nhân trở nên thuận tiện nhất", đã bắt tay với Product Partner - GEEK Up để cùng tạo nên trải nghiệm "Wow" đồng nhất trên hệ sinh thái ứng dụng của mình thông qua hệ thống quy chuẩn thiết kế, bao gồm bộ "Quy chuẩn thiết kế" (Design System) tổng hợp các thành phần quan trọng từ các màn hình đã thiết kế, cũng như "Quy định nền tảng" (Platform Guideline) xác định các yếu tố quan trọng trong thiết kế, giúp TPBank dễ dàng phát triển thêm tính năng sử dụng cho các ứng dụng mà vẫn đảm bảo sự đồng nhất trong hệ sinh thái chung.

Những cải tiến này đã góp phần giúp các ứng dụng TPBank chinh phục người dùng, trong đó có một đại diện lọt Top 1 ứng dụng tài chính Việt Nam tháng 10/2020 (TPBank Mobile); các ứng dụng còn lại cũng đạt mức rating cao trên chợ ứng dụng App Store và Google Play.

Xem thêm: Showcase "thực chiến" nâng cao trải nghiệm người dùng cho ứng dụng của Ngân hàng số Tiên Phong

Tóm lại, Ngân hàng số là một trong những từ khoá nổi bật của ngành ngân hàng ngày nay và 2022 chính là cột mốc quan trọng trong chiến lược số hóa ngân hàng khi khách hàng đã hình thành thói quen và tiếp tục sử dụng ngân hàng số như một công cụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Điều quan trọng là các ngân hàng cần phải nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số, xây dựng các sản phẩm số chiến lược, có khả năng mang lại trải nghiệm tốt và đáp ứng sát sao nhu cầu để giữ chân người dùng.

Tham khảo: thitruongtaichinhtiente.vn, geniusee.com

Chia sẻ

Sao chép đường dẫn

Nhận thông tin mới nhất từ GEEK Up

Cập nhật thông tin sự kiện, xu hướng và kiến thức sản phẩm số qua email của chúng tôi