insight-background

PRODUCT DESIGN

5 phút

Làm thế nào đạt hiệu quả cao khi ứng dụng Design Thinking vào xây dựng sản phẩm số?

Quá trình xây dựng sản phẩm số luôn ẩn chứa nhiều thách thức và những bài toán hóc búa không dễ tìm ra lời giải. Một trong những phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề phức tạp được nhiều doanh nghiệp và Product Partner (Đối tác xây dựng sản phẩm số) như GEEK Up lựa chọn chính là Design Thinking.

Làm thế nào đạt hiệu quả cao khi ứng dụng Design Thinking vào xây dựng sản phẩm số?

Làm sao để thấu hiểu sâu sắc nhu cầu khách hàng, có tư duy sáng tạo, không đi vào lối mòn, để tạo nên những sản phẩm số có tính đột phá và được thị trường hưởng ứng luôn là câu hỏi khiến nhiều người làm sản phẩm “đau đầu”. Design Thinking (Tư duy thiết kế) chính là một trong những phương pháp tiếp cận nổi bật được nhiều doanh nghiệp và đội ngũ xây dựng sản phẩm số lựa chọn áp dụng để giải quyết các vấn đề khó tìm ra giải pháp.

Phương pháp này có đặc điểm gì, yếu tố nào là quan trọng nhất và cần lưu ý điều gì khi ứng dụng phương pháp này vào quá trình xây dựng sản phẩm số để mang lại trải nghiệm tích cực cho người dùng?

Design Thinking trong xay dung san pham so GEEK Up
Hai bước quan trọng khi ứng dụng Design Thinking làm sản phẩm số là Đồng cảm & Định nghĩa

Design Thinking trong xây dựng sản phẩm số: Bước nào là quan trọng nhất?

Design Thinking là một quy trình phi tuyến tính bao gồm 5 bước: Empathize - Define - Ideate - Prototype - Test (Tạm dịch: Đồng cảm - Định nghĩa - Lên Ý tưởng - Tạo nguyên mẫu - Kiểm chứng), với trọng tâm là quá trình thấu hiểu con người. Khi ứng dụng Design Thinking để giải quyết vấn đề, doanh nghiệp và đội ngũ làm sản phẩm sẽ bắt đầu với việc thấu hiểu người dùng, khách hàng mục tiêu, từ đó định nghĩa vấn đề và tạo ra các giải pháp sáng tạo, được hiện thực hóa thành các nguyên mẫu và liên tục kiểm định để cải tiến giải pháp.

Design Thinking được áp dụng rộng rãi trong nhiều khía cạnh của doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phức tạp và chưa rõ ràng về giải pháp, trong đó có quá trình xây dựng sản phẩm số, đặc biệt là “Impactful Product” - sản phẩm số tạo tác động tích cực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bằng trải nghiệm người dùng hoàn hảo và khả thi về khía cạnh công nghệ.

Để tạo nên một “Impactful Product” đòi hỏi đầu vào là rất nhiều Sự thật ngầm hiểu (Insights). Áp dụng phương pháp Design Thinking để xây dựng nên một “Impactful Product”, một Product Partner như GEEK Up sẽ tập trung cao độ trong 2 giai đoạn quan trọng là Đồng cảm (Empathise) & Định nghĩa (Define) qua việc tìm ra những Insights, hiểu sâu về doanh nghiệp để đưa ra được những ý tưởng (Idea/Concept) phù hợp cho bài toán kinh doanh và các giải pháp thiết kế đáp ứng trải nghiệm người dùng.

Đối với GEEK Up, Design Thinking không chỉ dừng lại ở việc thấu hiểu về người dùng mà còn phải xuất phát từ sự thấu hiểu doanh nghiệp và cả những hiểu biết về giải pháp sản phẩm & công nghệ thì mới đưa ra được những giải pháp phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp khi xây dựng một sản phẩm công nghệ thường lựa chọn tìm kiếm các giải pháp tương tự để thử nghiệm (Trial & Error) thay vì đầu tư cho việc thấu hiểu Insights và xác định bài toán ban đầu một cách rõ ràng nhất. Trong khi với một Product Partner như GEEK Up, đây là giai đoạn cần nhiều Insights nhất, cụ thể là các Insights cho 3 yếu tố:

  • Thiết kế Product Concept: Xuất phát từ sự thấu hiểu bài toán kinh doanh (mục tiêu & chiến lược của doanh nghiệp, vai trò của sản phẩm & giá trị mà doanh nghiệp mong muốn tạo ra cho người dùng, các cơ hội & thách thức hiện tại).
  • Thiết kế trải nghiệm người dùng: Xuất phát từ việc thấu hiểu người dùng.
  • Thiết kế kiến trúc sản phẩm: Xuất phát từ sự thấu hiểu công nghệ.
Product-market-fit-GEEKUp
Ứng dụng Design Thinking trong hành trình xây dựng sản phẩm số đạt đến Product-Market Fit

Ứng dụng Design Thinking để đạt được Product-Market Fit

Tạo nên những sản phẩm số “lovable” có thể thỏa mãn nhu cầu của người dùng (Product-Market Fit) luôn là mục tiêu của các đội ngũ làm sản phẩm. Tuy nhiên việc xác định, định nghĩa các tính năng, đặc điểm của một sản phẩm như thế ngay từ giai đoạn khởi đầu là điều khó khả thi.

Thay vào đó đội ngũ có thể ứng dụng Design Thinking trong hành trình xây dựng sản phẩm số. Từ các ý tưởng ban đầu, kết hợp với các Insight thu thập từ giai đoạn Empathize và Define, nhóm làm sản phẩm sẽ phác họa Chân dung khách hàng (User Personas) cũng như Bản đồ hành trình khách hàng (User Journey Map) hỗ trợ cho quá trình tạo nên các bản Thử nghiệm (Demo) và Nguyên mẫu (Prototype) ban đầu dưới hình thức Thiết kế phác họa (Wireframe) hoặc Mô hình giấy (Paper Prototype) thậm chí là hình ảnh phác họa trên bảng trắng, trước khi tiếp tục hoàn thiện thành các Nguyên mẫu hoặc Sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP).

Không dừng lại ở đó, đội ngũ sản phẩm cần liên tục kiểm chứng, thu thập thêm Insights từ các phản hồi của người dùng trong quá trình thử nghiệm, kiểm chứng sản phẩm, tính năng để hoàn thiện sản phẩm trở thành “Impactful Product” với trải nghiệm người dùng được đánh giá cao nhất.

Trong quá trình này, Design Thinking là một công cụ giúp đội ngũ sản phẩm có thể ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa giải pháp sản phẩm (định vị giá trị, tính năng và trải nghiệm người dùng) và bài toán kinh doanh & nhu cầu thị trường (nhu cầu tiềm năng, thị trường & phân khúc khách hàng mục tiêu).

Ứng dụng Design Thinking, đội ngũ làm sản phẩm sẽ liên tục thu thập và thử nghiệm những Insights mới trước khi sử dụng những Insights này vào giải pháp để tiếp tục thử nghiệm và kiểm chứng các giả định khi làm sản phẩm.

Design Thinking Mindset GEEKUp
Phát triển Design Thinking trở thành một tư duy giúp đội ngũ làm sản phẩm giải quyết các vấn đề phức tạp

Design Thinking trong phát triển sản phẩm số: Từ quy trình đến tư duy

Quy trình Design Thinking hiện diện trong hầu hết các giai đoạn phát triển sản phẩm số, từ khởi đầu với các ý tưởng cho đến quá trình hoàn thiện để trở thành sản phẩm được người dùng, thị trường đón nhận.

Để hướng tới những sản phẩm số “Impactful Product”, đội ngũ thiết kế sản phẩm không chỉ dừng lại ứng dụng Design Thinking như một quy trình thông thường. Việc phát triển Design Thinking trở thành một tư duy (Mindset) trong toàn bộ hành trình làm sản phẩm sẽ giúp cho nhóm giải quyết các vấn đề phức tạp, với việc đề cao sự thấu hiểu sâu sắc người dùng, chấp nhận tính mơ hồ (Ambiguity) của vấn đề, tự tin đề xuất những giải pháp sáng tạo, không ngừng thử nghiệm và học hỏi từ các phản hồi/ thất bại.

Chia sẻ

Sao chép đường dẫn

Nhận thông tin mới nhất từ GEEK Up

Cập nhật thông tin sự kiện, xu hướng và kiến thức sản phẩm số qua email của chúng tôi