insight-background

PRODUCT DESIGN

3 phút

Build the right product & build the product right: Làm sản phẩm vừa “đúng” vừa “trúng” như thế nào?

Một trong những khía cạnh quan trọng giúp xây dựng sản phẩm số thành công là tìm được điểm cân bằng giữa việc xây dựng đúng sản phẩm (Build the Right Product) đánh “trúng” mục tiêu doanh nghiệp cũng như nhu cầu người dùng, và xây dựng sản phẩm đúng cách (Build the Product Right).

Build the right product & build the product right: Làm sản phẩm vừa “đúng” vừa “trúng” như thế nào?

Hãy cùng GEEK Up “mổ xẻ” từng khía cạnh để làm rõ hơn các vấn đề, tăng khả năng “sống sót” cho sản phẩm nhé!

Xây dựng đúng sản phẩm (Build the Right Product)

Một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng đúng sản phẩm. Vì vậy đội ngũ cần thảo luận kỹ lưỡng các khía cạnh sau đây để đảm bảo không tạo nên sản phẩm dựa trên các giả định thiếu chính xác, không hướng đến đáp ứng các mục tiêu kinh doanh và yêu cầu của người dùng cũng như tất cả các bên liên quan.

Người “sở hữu” sản phẩm (Product Owner): Đội ngũ cần lựa chọn thành viên có năng lực, trách nhiệm cùng nền tảng kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực mà sản phẩm phục vụ (domain knowledge) đóng vai trò là một Product Owner, với quyền ra quyết định quan trọng về sản phẩm tương ứng với các trách nhiệm về thành công hay thất bại của dự án về khía cạnh kinh doanh.

Người dùng (Users): Thấu hiểu người dùng là chìa khóa để tạo ra đúng sản phẩm giải quyết đúng vấn đề và nhu cầu người dùng, từ đó đạt mục tiêu kinh doanh. Đội ngũ cần xác định đúng vấn đề của người dùng, cũng như các cơ hội kinh doanh, từ đó tìm kiếm các giải pháp phù hợp.

Nghiên cứu (Research): Đội ngũ cần tiến hành các nghiên cứu như quan sát, phỏng vấn người dùng,... để kiểm định các yêu cầu về mục tiêu kinh doanh và giải pháp tiềm năng cho vấn đề của người dùng.

Phân tích (Analytics): Hoạt động phân tích giúp đội ngũ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm sau khi ra mắt. Trong quá trình thiết lập các công cụ đo lường phục vụ phân tích, đội ngũ cần đưa ra các câu hỏi đúng để tìm kiếm câu trả lời hữu ích từ dữ liệu, cũng như cách thức đội ngũ sẽ cải thiện sản phẩm dựa trên các câu trả lời thu thập được là gì.

Ưu tiên (Priorities): Ưu tiên là quyết định các vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết và theo trình tự như thế nào. Về cơ bản, các ưu tiên cần cân bằng giữa giá trị, rủi ro và chi phí.

Cơ hội (Opportunities): Đội ngũ cần tiến hành phân tích thị trường và phân tích cạnh tranh để tìm kiếm các cơ hội, cũng như xác định vị trí tiềm năng trên thị trường dựa vào những điểm khác biệt của sản phẩm.

Build The Right Product vs Build The Product Right | GEEK Up
Đội ngũ cần tìm kiếm điểm cân bằng để tăng khả năng sống sót cho sản phẩm

Xây dựng sản phẩm đúng cách (Build the Product Right)

Để tìm kiếm sự cân bằng giữa các yêu cầu về kỹ thuật và mục tiêu sản phẩm, đội ngũ cần cân nhắc các yếu tố:

Công nghệ (Technology): mỗi lựa chọn công nghệ (bao gồm các công cụ đội ngũ sử dụng cũng như các thành phần tích hợp từ bên thứ 3) đều là sự đánh đổi về tốc độ cho đến khả năng dễ nắm bắt. Vì vậy, quyết định công nghệ cần dựa trên các giải pháp đã được đồng thuận về vấn đề kinh doanh trong khi các lựa chọn đánh đổi cần căn cứ theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Kiến trúc (Architecture): Kiến trúc đảm bảo tạo nên một sản phẩm được xây dựng có thể tiếp tục điều chỉnh và phát triển để đáp ứng yêu cầu. Kiến trúc tốt đòi hỏi đội ngũ có lộ trình được xác định rõ ràng, là một tiến trình đòi hỏi đội ngũ cần xem xét lại thường xuyên.

Kỹ thuật (Engineering): Đảm bảo đúng nhân sự, được đặt ở đúng vị trí, đúng kỹ năng để xây dựng sản phẩm đúng cách. Điều này cũng đòi hỏi việc không ngừng cải thiện chất lượng kỹ thuật thông qua việc liên tục có các cải tiến kỹ thuật bên trong (refactors) một cách có chủ đích.

Thiết kế (Design): Thiết kế sản phẩm đúng đòi hỏi đội ngũ liên tục hoàn thiện từ các phác thảo sơ khởi nhất cho đến phiên bản được xác định hoàn chỉnh nhất, bao gồm xây dựng kiến trúc thông tin (information architecture), luồng trải nghiệm người dùng (user workflows), khung sườn (wireframes), các phác thảo chi tiết (high-fidelity comps), cũng như đảm bảo truyền tải nhận diện thương hiệu (brand identity).

Quy trình (Process): Quy trình phát triển sản phẩm có thể khác biệt theo từng dự án nhưng cần tuân theo một số nguyên tắc chủ đạo, hỗ trợ quá trình tự cải tiến, phát hiện các vấn đề và sửa lỗi sớm nhất có thể. Quy trình đúng đảm bảo các thành viên tự tin là đang làm đúng việc, giảm lỗi, cải thiện tốc độ và tạo ra niềm hứng khởi khi phát triển sản phẩm.

Kiểm định (Tests/QA): Đảm bảo sản phẩm hoạt động theo đúng thiết kế là điều tối quan trọng. Kiểm thử tự động và kiểm thử bằng tay (manual QA) đều cần thiết trong quá trình xây dựng. Đội ngũ QA nên tham gia vào giai đoạn đầu để hiểu định hướng sản phẩm cũng như đánh giá các vấn đề sản phẩm (ticket) trước khi giới thiệu đến các bên liên quan.

Build The Right Product vs Build The Product Right | GEEK Up
"Xây dựng đúng sản phẩm" và "Xây dựng sản phẩm đúng" trong quy trình phát triển sản phẩm

Quy trình xây dựng sản phẩm tại GEEK Up

Theo anh Hoàng Nguyễn - Head of Product Design tại GEEK Up, quá trình xây dựng sản phẩm cần trải qua 3 giai đoạn để hướng đến việc tạo ra các Impactful Product - sản phẩm số tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng thời mang lại giá trị cho người dùng, bao gồm:

1. Xây dựng đúng sản phẩm (Build the Right Product): Đội ngũ thu thập insight để trả lời câu hỏi về mục tiêu kinh doanh (Vấn đề mà doanh nghiệp đang muốn giải quyết là gì, giải quyết vấn đề sẽ thu được giá trị gì), nhu cầu của người dùng (Vấn đề này có thật sự xuất hiện ở người dùng, người dùng sẽ cần những điều gì để đạt được mục tiêu của họ) và tính khả thi về công nghệ (Giải pháp cho vấn đề này có khả thi về mặt công nghệ, nếu có thì chi phí phát triển có quá cao so với lợi ích mang lại hay không). Tất cả việc này nhằm giúp đội ngũ xác định cần xây dựng sản phẩm như thế nào.

2. Xây dựng sản phẩm đúng cách (Build the Product Right): Sau khi đã có bức tranh tổng thể về sản phẩm, đội ngũ sẽ bắt tay vào xây dựng. Đội ngũ sẽ cần phải liên tục thu thập insight, kiểm tra lại các chức năng liệu có đang được thiết kế và phát triển đúng hay chưa.

3. Đánh giá sản phẩm (Evaluate the Product): Tất cả các giải pháp, ý tưởng khi chưa thực sự được người dùng sử dụng thì vẫn chỉ là các giả định (assumption) của đội ngũ phát triển. Vì vậy, phải tiến hành đánh giá, thẩm định lại tính hiệu quả để liên tục cải tiến sản phẩm.

Tham khảo: mojotech.com, hoang.moe

Chia sẻ

Sao chép đường dẫn

Nhận thông tin mới nhất từ GEEK Up

Cập nhật thông tin sự kiện, xu hướng và kiến thức sản phẩm số qua email của chúng tôi