Product Mindset - Tư duy sản phẩm hỗ trợ như thế nào cho đội ngũ làm Digital Product
Theo một kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Gartner tiến hành vào năm 2019, 85% các tổ chức đã hoặc đang có kế hoạch áp dụng mô hình lấy sản phẩm làm trung tâm (product-centric) và con số này sẽ tiếp tục tăng khi đại dịch thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Vậy tư duy sản phẩm là gì? Tư duy này hỗ trợ như thế nào cho đội ngũ làm sản phẩm và làm cách nào để xây dựng tư duy sản phẩm cho đội ngũ, từ đó tạo nên các sản phẩm không chỉ thoả mãn mục tiêu kinh doanh, phù hợp năng lực công nghệ của doanh nghiệp mà còn mang đến trải nghiệm người dùng tốt? Hãy cùng GEEK Up tìm hiểu thêm về chủ đề này qua bài viết!
1. Product Mindset (Tư duy sản phẩm) là gì
Tư duy sản phẩm (Product mindset) là tư duy xây dựng sản phẩm vì người dùng, tập trung giải quyết các vấn đề, bài toán đáp ứng nhu cầu cụ thể nhằm mang lại giá trị cho người dùng, từ đó đáp ứng mục tiêu kinh doanh.
Tư duy sản phẩm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các đội ngũ làm sản phẩm số tại các startup cũng như các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm số như một vũ khí chiến lược tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
2. Từ tư duy dự án đến tư duy sản phẩm
Khi tiếp cận theo tư duy dự án (project mindset), đội ngũ lập trình viên và thiết kế hiếm khi quan tâm đến sản phẩm, giải pháp mà doanh nghiệp đang cung cấp đáp ứng nhu cầu nào của khách hàng, hành vi của người dùng sản phẩm, và thường phân tách công việc đó cho đội ngũ bán hàng, marketing. Họ thường chỉ quan tâm đến mô tả sản phẩm, tính năng cụ thể và sử dụng các phương thức đã biết, dựa trên năng lực hiện có để giải các bài toán theo yêu cầu.
Với đội ngũ có tư duy sản phẩm, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một dự án (nguồn lực, các cột mốc cần hoàn thành,...) mối quan tâm đầu tiên của mỗi thành viên là “sản phẩm này giải quyết vấn đề, bài toán gì của người dùng mục tiêu, đóng góp giá trị gì cho doanh nghiệp", thay vì quan tâm đến giải pháp, tính năng cần xây dựng là gì. Từ đó đội ngũ bắt đầu nghiên cứu kiến thức, tìm hiểu công cụ cần thiết và xây dựng các bộ năng lực liên quan, để tạo nên sản phẩm đó bằng các giải pháp công nghệ phù hợp nhất, thay vì công nghệ hiện đại nhất hoặc giới hạn trong năng lực, kiến thức của các thành viên khi làm sản phẩm.
Sự khác biệt giữa tư duy dự án và tư duy sản phẩm thể hiện qua một số đặc điểm:
- Tư duy dự án tập trung vào mục tiêu hoàn thành công việc theo mô tả với nguồn lực được phân bổ và thời gian xác định. Trong khi đó, tư duy sản phẩm có xu hướng ưu tiên các công việc giúp gia tăng giá trị kinh doanh, không dừng lại trong phạm vi thời gian cố định và hỗ trợ hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp.
- Vai trò của con người trong dự án thường được cân nhắc như một nguồn lực đơn thuần, có thể thay thế, phân bổ lại khi cần thiết và đề cao hiệu suất làm việc. Trong khi đó, quá trình quản trị sản phẩm hướng đến việc duy trì quan hệ lâu dài với người lao động và ghi nhận các giá trị mà họ mang lại cho doanh nghiệp.
- Khi phát triển một sản phẩm, các đội ngũ từ kỹ sư, kiến trúc sư hệ thống cho đến các nhà quản trị vận hành, đội ngũ bán hàng và marketing, dù có chuyên môn sản phẩm hay không, vẫn cần đồng thuận với mục tiêu kinh doanh. Tư duy dự án không đề cao sự minh bạch và đồng thuận, từ đó tạo ra khoảng cách giữa giải pháp kỹ thuật và mục tiêu kinh doanh.
- Tư duy dự án sẽ xác định ngân sách cho dự án dựa vào các cột mốc, trong khi đội ngũ có tư duy sản phẩm sẽ tính toán ngân sách dựa trên khả năng mang lại kết quả kinh doanh.
- Với tư duy dự án, thời hạn thường được xác định rõ (theo từng quý, năm) và không cân nhắc đến công việc bảo trì sau dự án, trong khi tư duy sản phẩm sẽ xác định theo vòng đời sản phẩm (có thể kéo dài trong nhiều năm) và luôn tính toán đến hoạt động bảo trì.
- Với tư duy dự án, rủi ro cần được xác định và dự tính khi lên kế hoạch. Tư duy sản phẩm luôn chào đón các rủi ro và cân nhắc rủi ro như những cơ hội để phát triển.
- Thành công của một sản phẩm được đo lường bằng các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở một dự án được lên kế hoạch cụ thể, hoàn thành các cột mốc và tiết kiệm chi phí, mặc dù thời gian, tiến độ vẫn là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng sản phẩm, nhưng hoạt động cải tiến luôn được ưu tiên.
3. Tư duy sản phẩm giúp đội ngũ nâng cao năng lực làm sản phẩm như thế nào
Hiểu rõ ngữ cảnh, vấn đề của người dùng giúp đội ngũ làm sản phẩm có thể đề xuất giải pháp tốt nhất, nâng cao khả năng tối ưu hoá và nâng cấp mở rộng chức năng của sản phẩm để giải bài toán của khách hàng, người dùng tốt hơn.
Bên cạnh đó, mục tiêu tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng cũng thúc đẩy đội ngũ không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi kiến thức, công nghệ và đề ra các giải pháp phù hợp trong quá trình phát triển.
Ngoài ra, một đội ngũ phát triển sản phẩm có tư duy sản phẩm và góc nhìn từ người dùng và thấu hiểu mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ dễ dàng thấu hiểu các yêu cầu từ đội ngũ kinh doanh mà không cần phải thông qua một lớp trung gian mô tả sản phẩm như quy trình thông thường khi quản lý dự án.
4. Làm cách nào để phát triển tư duy sản phẩm cho đội ngũ xây dựng sản phẩm số
Theo chia sẻ của Julie Zhuo, cựu Phó giám đốc thiết kế sản phẩm của Facebook, người có tư duy sản phẩm có thể nhận biết những điều làm ra một sản phẩm có giá trị và được người dùng yêu thích và cách thức để thiết kế sản phẩm đó.
Để cải thiện tư duy sản phẩm, theo Julie Zhuo, đội ngũ cần trau dồi khả năng quan sát, phân tích các sản phẩm mới, đánh giá trải nghiệm người dùng trên các sản phẩm, cũng như có trí tò mò, không ngừng suy nghĩ lý do đằng sau hành vi của người dùng, thành công của một sản phẩm.
Người có tư duy sản phẩm không bao giờ ngừng tìm tòi, học hỏi để hiểu bản chất của sản phẩm, thảo luận về những sản phẩm/dịch vụ yêu thích, không chỉ ở góc độ cá nhân mà còn cả việc đánh giá từ góc nhìn của người dùng, doanh nghiệp.
Đọc thêm: Năng lực con người trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ
Tại GEEK Up, để phát triển tư duy sản phẩm trong đội ngũ, các thành viên cấp cao (senior member) là những người tiên phong quan tâm và thấm nhuần tư duy sản phẩm, trước khi truyền đạt, trao đổi với các thành viên khác theo “ngôn ngữ của tư duy sản phẩm", dưới góc độ cung cấp giá trị cho người dùng đồng thời đáp ứng mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Cả nhóm sẽ trao đổi một cách minh bạch và thống nhất về đường hướng xây dựng sản phẩm, đồng thuận về cách giải quyết vấn đề theo tư duy sản phẩm. Từ đó hình thành tư duy sản phẩm nơi mỗi thành viên.
Tham khảo: comakeit.com, blog.careerly.vn, projecttoproduct.org, accenture.com
Nhận thông tin mới nhất từ GEEK Up